Trang

10 thg 10, 2015

CHUYỆN CON HẺM !

Con hẻm cụt nơi hắn ở trọ bao năm qua dần trở nên thân thuộc. Lần đầu tiên vào con hẻm tìm nhà trọ hắn thấy những người xăm trổ đầy mình ngồi túm tụm đánh bài khiến hắn chột dạ. Vậy mà bao năm qua chính những con người đó ngày nào cũng nhắc hắn một câu "tắt đèn kìa" mỗi buổi sáng khi hắn đi làm, rồi cũng chính những người đó sẽ chạy về nhà lấy cho hắn tô cơm nguội nếu hắn ngồi chơi vô tình nói câu "đói bụng quá" khi tấp vào tám chuyện. Ở con hẻm nổi tiếng một thời toàn dân anh chị bao năm qua chưa một lần thấy mất trộm hay say xỉn đánh nhau, nơi đó sáng sáng bên ly coffe người ta lại râm rang bàn chuyện chiều nay ra con gì, hôm qua ai trúng lô đề rồi tụm lại bầu cua tôm cá. Ở nơi đó có những kẻ sau thời gian phiêu bạc giang hồ lại về đó sống những ngày cuối cùng trong đời với căn bệnh thế kỷ vẫn cười đùa kể chuyện gái trai mà ko có một sự kỳ thị xa lánh nào, để rồi khi nằm xuống thì chính những người xăm trổ đầy mình đó đứng lên quyên góp mỗi người một ít tổ chức một cái đám ma thật hoành tráng đúng chất SG với kèn trống với pê đê nhảy múa thâu đêm với câu nói làm hắn nhớ mãi khi nghĩ về cái tình người " nhà nó ko có tiền đâu, thôi mình cùng giúp cho nó cho họ đỡ buồn".

Con hẻm mà chỉ cần ngồi xuống là trở thành bạn, nơi hắn có thể yên tâm nếu ngủ quên không dắt xe vào nhà, nơi sáng sáng cứ đúng 7h15 là có tiếng rao "bánh mỳ nóng đê" đậm chât miền trung như một chiếc đồng hồ báo thức bao năm vẫn chạy, nơi có cô bé chưa học hết phổ thông đã trở thành mẹ trong sự đùm bọc của mọi người. Nơi có những người già sống bằng những sự giúp đỡ của kẻ thắng bạc trong một sòng tứ sắc dù hôm trước họ có thua sạch túi tiền. Nơi mà những ký ức tuổi thơ ùa về khi sáng sáng chiều chiều luôn có tiếng leng keng từ chiếc chuông trên tay lái những chiếc xe bán cà rem đi đi về về. Nơi có cái trạm dân phòng làm nơi cho bà cụ hơn 80 tuổi với chiếc xe đẩy còn lại vài trái cóc trái ổi dựa lưng ngủ mỗi khi màn đêm buôn xuống mà trên đầu là lá cờ tổ quốc già nua cuộn tròn như không còn sức lực để phất phơ theo từng cơn gió. Và nơi đó có những ngôi nhà luôn cửa kín then cài nghe đâu là nhà của cán bộ trên phường trên quận bao năm hắn chưa bao giờ hắn thấy mặt....!
Hẻm Cây Điệp - con hẻm bao năm cho hắn nương tựa ở đất Sài Gòn này dần trở nên thân thuộc như chính quê nhà của hắn. Nơi sự ân cần, phóng khoáng của cái chất người Sài Gòn luôn được thể hiện bằng những hành động, lời nói bổ bã của dân anh chị nhưng đậm tình người với người.
Nơi ấy nơi bình yên !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét